Vào mùa hè, thời tiết vô cùng nóng nực và nhiệt độ tăng cao có khi đến 40 độ C. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi gây ra các bệnh ngoài da, trong đó có tình trạng rôm sảy. Vậy rôm sảy có nguy hiểm không? Có những biện pháp nào hạn chế tình trạng rôm sảy vào mùa nóng? Hãy cùng BebeJOY tìm hiểu ở nội dung sau đây nhé.
Rôm sảy là gì?
Rôm sảy là tình trạng bít tắc tuyến mồ hôi gây ra sự ứ đọng mồ hôi, ống bài tiết dễ bị bụi hay ghét bít kín khiến làn da bị viêm và xuất hiện các mụn nhỏ màu hồng trên da.
Ở trẻ em do ống tuyến mồ hôi chưa phát triển hoàn chỉnh, lại thêm thời tiết mùa hè nắng nóng cơ thể trẻ bài tiết nhiều mồ hôi nhưng không thoát ra ngoài hết, gây ứ đọng mồ hôi và bít tắc tuyến mồ hôi.
Đa số trẻ chỉ bị rôm sảy khi nóng, khi thời tiết mát mẻ các mẩn trên da có thể tự lặn mà không gây tác hại gì. Tuy nhiên cũng có rất nhiều trường hợp mụn rôm làm trẻ ngứa, gãi nhiều gây da trầy xước, bị nhiễm khuẩn thêm thành những mụn mủ và nhọt.
Nguyên nhân bé thường xuyên bị rôm sảy vào mùa hè
Nguyên nhân chính khiến bé bị rôm sảy là nhiệt độ của môi trường cao và thời tiết nắng nóng. Từ đó, cơ thể của bé phải điều chỉnh nhiệt bằng cách tiết ra nhiều mồ hôi để giảm nhiệt độ cơ thể. Ngoài ra, tuyến mồ hôi của bé chưa phát triển toàn diện nên mồ hôi sẽ bị ứ đọng và tạo ra rôm sảy.
Khi bị rôm sảy, bé sẽ cảm thấy khó chịu, bứt rứt và quấy khóc nhiều. Ngoài ra, rôm sảy còn khiến cho bé cảm thấy ngứa ngáy. Nếu gãy nhiều sẽ làm trầy xước da và tạo thành mụn mủ trên da. Rôm sảy thường mọc ở các vùng đổ nhiều mồ hôi và chứa bụi bẩn, có thể kể đến như: cổ, ngực, lưng, đầu,…
Cách phòng tránh rôm sảy mùa hè cho bé
- Cần mặc quần áo bằng loại vải mềm, nhẹ, thoáng mát, có thể hút ẩm vào mùa hè.
- Tránh mặc quá nhiều, quá chật, u bé quá kỹ.
- Khi thời tiết quá nóng cần tránh cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng, có thể dùng quạt thông khí, máy điều hòa nhiệt độ.
- Chỗ ngủ phải luôn mát mẻ, thông thoáng và thông khí tốt.
- Tắm cho trẻ bằng nước mát và không dùng xà phòng loại làm khô da. Có thể tắm cho trẻ bằng nước chè xanh đun sôi để nguội (chú ý phải rửa sạch đun sôi kỹ, tránh nhiễm khuẩn da cho trẻ)
- Hạn chế không cho bé ra nắng hoặc hạn chế đến mức thấp nhất có thể để bé tiếp xúc với ánh nắng từ 10 giờ sáng tới 4 giờ chiều. Vì đây là khoảng thời gian các tia cực tím (tia UVA và tia UVB) hoạt động mạnh nhất, rất dễ khiến cho da bé bị cháy nắng, bỏng rát. Ngoài ra nguy hiểm hơn nếu tiếp xúc nhiều với tia cực tím có thể gây ra ung thư da.
- Bên cạnh đó, cần giữ cho da bé luôn được khô ráo và sạch sẽ. Không nên thoa nhiều kem hay các loại phấn lên da trẻ vì sẽ bịt lại các lỗ chân lông, dễ khiến trẻ bị nổi rôm hơn.
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với những nơi quá đông đúc và ngột ngạt.
- Khi trẻ bị rôm sảy tránh làm trầy xước các mụn vì có thể gây nhiễm trùng da.