Chăm sóc không đúng cách sẽ khiến da bé dễ bị kích ứng, nổi rôm sảy và tổn thương. Làn da bé non nớt, nhạy cảm nên việc chăm sóc sẽ khó khăn và đòi hỏi bố mẹ có nhiều kiến thức. Trong bài viết này, BebeJOY sẽ chia sẻ các quy trình chăm sóc da bé an toàn, hiệu quả tại nhà mà bố mẹ nào cũng cần biết nhé.
Các bước massage da an toàn cho bé
Theo khuyến cáo thì việc massage da chỉ được thực hiện khi bé đã 01 tháng tuổi trở lên. Ngoài ra, thời điểm tốt nhất để massage là khi bé tỉnh táo, được nghỉ ngơi đầy đủ và hứng thú với việc này. Có thể vào buổi sáng hoặc trước khi tắm cho bé.
Massage da là một trải nghiệm mới nên bố mẹ cần phải được bé cho phép. Có thể lấy ít dầu vào lòng bàn tay và xoa nhẹ lên bụng. Nếu bé không khó chịu hoặc khóc thì bố mẹ có thể tiến hành massage da.
Quy trình massage được thực hiện như sau:
-
Đầu tiên, xoa dầu vào lòng bàn tay và xoa bóp lòng bàn chân, mu bàn chân và các ngón chân của bé. Tiếp đến, mẹ dùng tay nhẹ nhàng xoa ở vùng đùi lên bụng, ngực và vai của bé.
-
Khi massage tay thì mẹ xoa nhẹ cánh tay, cẳng tay và bàn tay bé. Sau đó, mẹ dùng ngón tay cái để xoa trán, má, cằm và cổ của bé. Cuối cùng là massage da đầu theo chuyển động hình tròn.
Mẹ lưu ý rằng, làn da của bé còn nhạy cảm nên các thao tác massage cần phải được thực hiện nhẹ nhàng để tránh làm đau bé. Đồng thời, mẹ nên chọn dầu massage được chiết xuất từ thành phần lành tính và an toàn với bé, ngăn ngừa tình trạng kích ứng hiệu quả.
Quy trình thay bỉm mẹ cần nhớ
Trẻ sơ sinh và các bé lớn có tần suất đi vệ sinh khác nhau, mẹ cần lưu ý kiểm tra bỉm cho bé theo các khoảng thời gian nhất định hoặc khi thấy bé có các dấu hiệu khó chịu, quấy khóc. Bỉm ướt, bỉm đầy hoặc khi bé đi nặng sẽ khiến cho bé không thoải mái và cần mẹ thay bỉm mới cho bé.
Với bỉm dán:
- Đặt bé trên tấm trải để tránh chất thải có thể dây bẩn ra giường chiếu.
- Bóc miếng dán phía trước trong khi vẫn giữ mặt trước bỉm
- Lật bé sang bên rồi rút bỉm ra từ phía lưng
- Vệ sinh vùng da nhạy cảm cho bé
- Thay miếng bỉm cũ vào vị trí dưới lưng, lật bé trở lại
- Kiểm tra vách chống tràn, vị trí mặt trước, dán miếng dán mặt trước, kiểm tra độ rộng bằng 1 ngón tay để bé thoải mái
Với bỉm quần:
- Để bé ở tư thế mẹ và bé đều thoải mái để thao tác
- Xé dọc 2 bên hông bỉm
- Tháo bỉm cũ
- Vệ sinh vùng da nhạy cảm cho bé
- Mặc bỉm quần mới như mặc 1 chiếc quần nhỏ
Để vệ sinh vùng da nhạy cảm mẹ có thể có thể dùng khăn ướt hoặc khăn mềm đã thấm nước để lau sạch các chất bẩn ở vùng da đóng bỉm của bé.
Bên cạnh đó, mẹ nên chú trọng đầu tư bỉm chất lượng và an toàn cho bé con nhé. Bỉm nên có chất liệu lành tính, không chứa chất kích ứng và có độ thấm hút, thoáng khí tốt nhất.
Những lưu ý khi tắm cho bé
Nếu làm đúng cách khoảng thời gian đi tắm sẽ là lúc thú vị nhất đối với mọi em bé. Mẹ nên lưu ý tới nhiệt độ phòng, nhiệt độ nước, tránh gió lùa và chuẩn bị dụng cụ trước khi cho bé đi tắm.
-
Nhiệt độ phòng duy trì về mức tương đương giữa phòng tắm và phòng ngủ. Nhiều gia đình để bé sinh hoạt trong phòng điều hòa lạnh sẽ dễ bị sốc nhiệt hoặc cảm lạnh trước hoặc sau khi tắm cho bé.
-
Nhiệt độ nước nên ở mức cao hơn nhiệt độ cơ thể một chút khoảng 38-39 độ C. Mẹ có thể dùng nhiệt kế nước hoặc thử vào vùng da mỏng trên cánh tay để thử độ ấm của nước. Nước quá lạnh sẽ khiến bé bị cảm trong khi nước quá nóng sẽ tổn thương da bé, khiến bé hoảng sợ và từ chối đi tắm.
- Gió lùa là tác nhân nguy hiểm không chỉ cho trẻ nhỏ. Mẹ nên cẩn thận với điều kiện này khi cho bé đi tắm.
- Các dụng cụ đi tắm như chậu, khăn, sữa tắm, dầu gội … cần chuẩn bị sẵn sàng từ trước để tiện thao tác, giúp giữ ấm cho bé tốt nhất.